Tháp Nhạn là ngọn tháp rất nổi tiếng ở Phú Yên được gắn với nhiều điều bí ẩn chưa được giải đáp. Cùng theo chân du khách của Đá Đĩa Farmstay khám phá ngọn tháp đầy huyền bí này.
Tháp Nhạn Phú Yên: Công trình kết nối quá khứ và hiện tại
Tháp Nhạn nằm gần đỉnh ngọn núi Nhạn bên bờ bắc sông Đà Rằng của tỉnh Phú Yên, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và cũng là danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Tháp Nhạn Phú Yên nằm ở đâu?
Núi Nhạn là địa danh đã để lại nhiều ấn tượng vô cùng đẹp với du khách khi đặt chân đến Phú Yên. Núi Nhạn Phú Yên nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận P.1, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đứng trên độ cao 64 m ở đỉnh Núi Nhạn, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh TP. Tuy Hoà nằm cạnh bên bờ biển Đông và dòng sông Đà Rằng với bốn cây cầu đường sắt và đường bộ chạy song song qua sông.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, tọa lạc trên đỉnh núi Nhạn, Tháp Nhạn từ lâu đã trở thành biểu tượng của Phú Yên và là nơi check in sống ảo không thể bỏ qua của giới đam mê trải nghiệm.
Nguồn gốc tên gọi của tháp Nhạn Phú Yên
Nguồn gốc của tháp Nhạn Phú Yên có rất nhiều tương truyền. Có người cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sinh sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, kéo sợi, dệt vải…để tìm cách mưu sinh. Sau khi nàng tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn ghi khắc công ơn người khai sáng cho dân tộc mình nên xây ngọn tháp ấy để phụng thờ.
Theo một truyền thuyết khác thì từ xa xưa, Tuy Hòa chỉ là một vùng đầm lầy trũng thấp có nhiều thủy quái chuyên quấy phá đời sống người dân địa phương. Thấy vậy Ông Trời bèn ra lệnh cho người khổng lồ xuống gánh đất lấp lại vùng trũng, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên khi lấp đã gần xong, người khổng lồ vội về nên đã cho nhiều đá hơn làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai gánh rơi xuống tạo thành núi Chóp Chài, núi Nhạn.
Đó được cho là nguồn gốc của ngọn tháp. Còn về tên gọi “tháp Nhạn” thì được người dân địa phương giải thích là do có rất nhiều chim nhạn tới đây sinh sống, làm tổ nên ngọn tháp cũng được đặt theo tên của loài chim này.
Đi đến Tháp Nhạn Phú Yên như thế nào?
Đường lên Tháp Nhạn Phú Yên khá dốc và quanh co nhưng khá dễ tìm. Có 2 đường lên tháp, 1 là đường bậc thang và 1 là đường nhựa. Bạn có thể tự do lựa chọn cung đường phù hợp vì cả hai đều khá an toàn và dễ đi.
Nếu đi từ ga tàu hoả Tuy Hòa, bạn sẽ đi thẳng đường Lê Trung Kiên, qua ngã tư giao với đường Tản Đà chút xíu. Chạy cho đến khi nhìn thấy con đường nhỏ thứ 2 bên tay trái thì rẽ vào, đi thêm một đoạn nữa là đến Tháp Nhạn.
Chiêm ngưỡng gì ở Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn Phú Yên là địa điểm du lịch tâm linh, sở hữu những nét kiến trúc vô cùng độc đáo và cũng là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc.
Kiến trúc độc lạ của Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn Phú Yên cao khoảng 25m với đế tháp dạng hình vuông, thân tháp được xây to ở phần chân và nhỏ dần về phía đỉnh tháp. Trên đỉnh là tượng Linga bằng đá, đây là biểu tượng tâm linh của người dân Chăm-pa. Tất cả mọi công trình đền tháp của người Chăm đều có Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực cầu mong vạn vật được sinh sôi nảy nở. Trải qua hàng trăm năm , tháp Nhạn Phú Yên giờ đây đã nhuốm màu cổ kính rêu phong, càng làm nổi bật nên vẻ đẹp huyền bí.
Khách du lịch tìm tới tháp Nhạn không chỉ để ngắm vẻ đẹp của ngọn tháp huyền bí này mà còn bởi tò mò về phương pháp người Chăm xưa dùng để xây tháp. Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp kín khít nhau mà rất vững chãi. Theo nghiên cứu, loại gạch này có khối lượng nhẹ hơn so với một viên gạch thông thường khoảng 1,3 lần. Kể cả độ bền, chịu va đập, và chịu nén cũng hơn gạch thường rất nhiều.
Xưa kia, dù chưa có xi măng để kết dính gạch, những người dân Chăm-pa đã biết sử dụng chất kết dính từ cây dầu rái để dùng vào xây dựng. Tuy nhiên, công thức để tạo ra một loại keo bền chắc có khả năng kết nối vật liệu của cả tòa tháp lớn vẫn là một phát minh vĩ đại của người Chăm-pa xưa mà đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải.
Ngoài ra, để các viên gạch dính chắc chắn với nhau như vậy không chỉ do có hỗn hợp keo kể trên mà còn nhờ vào những bàn tay vô cùng khéo léo của những người xây dựng. Các viên gạch được người thợ sử dụng kĩ thuật mài chập, nghĩa là sau khi phết keo lên, họ sẽ mài các viên gạch với nhau cho đến khi bề mặt tiếp xúc hoàn toàn kín khít không lộ ra một chút kẽ hở nào.
Mái ngọn tháp cao khoảng 8,5m, bốn góc là các tai trụ trông như hình các búp sen, phần đỉnh cao nhất là hòn đá lớn nguyên khối biểu tượng của Linga. Từ nơi này có thể nhìn bao quát thành phố Tuy Hòa, bờ biển với những bãi cát vàng mịn và cầu Hùng Vương bắc qua cửa sông Đà Rằng. Vào năm 2018, Tháp Nhạn được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Kiến trúc phía trên tầng mái nhìn từ phía trong tháp với những viên gạch được xây theo hình vuông, chụm nhỏ lại ở đỉnh tháp. Mặt chính và cửa của tháp quay về hướng Đông, các mặt tường còn lại đều trang trí hoa văn gắn liền với những ý niệm tôn giáo xa xưa. Vì đặc điểm xây dựng tầng cao càng thu hẹp nên tường mặt trong tháp cũng uốn theo và thu nhỏ dần, vòm lại theo hình chóp và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng.
Đi sâu vào phía bên trong, bạn có thể bất ngờ khi thấy bên trong không có ban thờ nào hay bức tượng nào, chỉ duy nhất có một cái am nhỏ được xây dựng từ thời Hậu Lê để hương khói cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi. Xung quanh tường có những hoa văn hình rồng được chạm khắc tinh xảo trên đá hoa cương đặt ở 4 góc tháp. Đừng từ bên trong nhìn lên đỉnh tháp bạn sẽ thấy một không gian sâu thẳm cao vút đầy huyền bí
Thân tháp và mặt đế được xây dựng đều hình vuông, tượng trưng cho mặt đất. Tại đế tháp, mỗi hàng gạch phía trên đều được đặt lùi vào so với hàng bên dưới, cứ như vậy thu nhỏ dần rồi bám vào phần thân.
Thân tháp cao khoảng 9,3m, ngang 10,5m,. Tường xây thẳng đứng, bổ trụ ở bốn góc, tạo gờ lồi lõm ở mặt sau và mặt bên. Thân tháp chính là sự gắn kết giữa phần đế và phần mái nhằm thể hiện cho tư tưởng thiên - địa - nhân.
Trải nghiệm các lễ hội
Cùng với sông Đà Rằng, địa điểm này đã trở thành cụm danh lam thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch tới thăm. Hằng năm cứ tới mỗi dịp lễ tết có rất nhiều hoạt động vui chơi văn hoá văn nghệ được tổ chức ở trên núi tháp Nhạn. Bởi vậy, nếu bạn có ý định tới thăm quan nơi này thì hãy đến vào dịp rằm tháng Giêng Âm Lịch. Khi đó, sẽ diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu thu hút nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng gần xa tới giao lưu nghệ thuật.
Vào mùng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng, người dân địa phương đều đến Tháp Nhạn cầu nguyện cho cuộc sống được bình an, may mắn. Tháng 3 âm lịch hàng năm, nơi đây diễn ra Lễ hội vía Bà, đây là vị thần đã có công dạy người dân nghề dệt, nghề nông, bảo vệ và che chở cho mọi người khỏi thiên tai.
Những lưu ý khi thăm quan tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn chỉ mở cửa từ 6h30 đến 23h. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên đến đây vào khoảng thời gian sáng từ 6h30 đến 9h30 và chiều từ 16h30 đến 20h30.
Dưới chân núi có khá nhiều hàng quán bán đặc sản của tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, bạn đừng quên hỏi giá trước khi mua để tránh bị “hớ” nhé.
Lưu ý không mặc đồ ngắn, hở hang khi đến Tháp Nhạn Phú Yên để thể hiện sự tôn nghiêm. Bởi đây là một điểm du lịch tâm linh. Vì vậy, ăn mặc kín đáo chính là thể hiện sự tôn trọng của mình với nơi đây. Hơn thế nữa vào chiều tối, trên núi cao có gió thổi khá lạnh.
Nếu bạn tới Phú Yên, nhớ đừng bỏ lỡ địa điểm thăm quan tháp Nhạn Phú Yên để khám phá về nền văn hóa sa huỳnh cũng như những bí ẩn trong cách xây dựng công trình của người dân nơi đây, lối kiến trúc độc đáo của người Chăm-pa cổ. Và tuyệt vời hơn nữa nếu tới thăm tháp Nhạn Phú Yên vào đúng dịp Tết Nguyên tiêu để thử sức đối thơ với những thi sĩ từ mọi miền trên cả nước.
Bài viết liên quan
10 Homestay Phú Yên sát biển view đẹp có hồ bơi cao cấp
Hòn Dưa Phú Yên - Trải nghiệm cắm trại camping ngắm núi chóp Chài
Thung lũng Đồng Din: Tây Bắc thu nhỏ trong Lòng Phú Yên
Phú Yên có gì đẹp? Khám phá 25 địa điểm du lịch Phú Yên
Vịnh Vũng Rô Phú Yên: Ngắm nhìn vịnh đẹp nhất Đông Nam Á
Món ngon Phú Yên: Ăn gì ở Phú Yên khi đi du lịch?
Phú Yên có đảo gì? 5 hòn đảo check in đẹp ở Phú Yên
10 Danh lam thắng cảnh ở Phú Yên phải ghé thăm
Biển Phú Yên: Hình ảnh 15 bãi biển đẹp nhất Phú Yên